Copyright là gì, tìm hiểu về bản quyền trong thiết kế

Bản quyền trong thiết kế.

Vấn đề về bản quyền hay bản quyền trong thiết kế đang là đề tài nhức nhối đặc biệt ở Việt Nam trong những năm gần đây. Trong tình hình đó, thuật ngữ Copyright xuất hiện nhiều hơn, được nhiều người tìm kiếm và sử dụng. Vậy copy right là gì và ý nghĩa mà nó mang lại là gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!

Copyright là gì?

Định nghĩa về Copyright

Copyright theo nghĩa tiếng Việt là quyền tác giả, tác quyền hay bản quyền biểu thị tính độc quyền của tác giả cho tác phẩm của mình. Copyright được dùng nhằm bảo vệ các sáng tạo tinh thần mang tính chất văn hóa hay còn gọi là tác phẩm không bị vi phạm bản quyền. Có thể lấy ví dụ như: sáng tác nhạc, tranh vẽ, ghi âm, các bài viết về văn học, khoa học, phim, hình chụp, các chương trình truyền hình và truyền thanh. Quyền tác giả này không chỉ bảo vệ các quyền lợi cá nhân mà còn bảo vệ lợi ích kinh tế của tác giả đó trong mối liên quan với tác phẩm.

Theo công ước Berne, luật bản quyền cho phép tác giả được hưởng tác quyền suốt đời, cộng thêm ít nhất là 50 năm sau khi qua đời. Tuy nhiên ở mọt số quốc gia, tác quyền được phép nâng thời hạn dài hơn.

định nghĩa của Copyright.
Bạn đã thực sự hiểu về định nghĩa của Copyright.

Copyright tại Việt Nam

Khác với các nước Châu Âu và Châu Mỹ, luật bản quyền tại Việt Nam có một số thay đổi để phù hợp hơn với tình hình đất nước, thông thường mọi người luôn nghĩ những tác phẩm được thiết kế kèm bản quyền là những ấn phẩm có đóng dấu riêng của một tổ chức nào đó và thông báo với cơ quan quản lý để công bố rộng rãi trên cổng thông tin. Tuy nhiên tại Việt Nam, quyền tác giả hay bản quyền trong thiết kế đã được quy định rất chi tiết trong Bộ Luật Dân sự năm 2005, Nghị Định 100/NĐ-CP/2006 của Chính phủ và Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, Quyền tác giả là quyền của cá nhân hay tổ chức đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc sỡ hữu, bao gồm những quyền sau:

1. Quyền Nhân thân

– Đặt tên cho tác phẩm.

– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm. Được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.

– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.

– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, cụ thể là không cho người khác cắt xén, sửa chữa hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây tổn hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

2. Quyền tài sản

– Làm tác phẩm phái sinh (tác phẩm phái sinh là tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này đến ngôn ngữ khác, tác phẩm cải biên, phóng tác, biên soạn, chuyển thể, tuyển chọn, chú giải.)

– Biểu diễn tác phẩm trước công chúng.

– Sao chép tác phẩm.

– Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.

– Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến, hữu tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

– Cho thuê bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính, tác phẩm điện ảnh. Tác phẩm được bảo hộ theo cơ chế quyền tác giả là các tác phẩm trong lĩnh vựa khoa học, văn học và nghệ thuật.

Tìm hiểu về bản quyền trong thiết kế

Phân biệt Copyright © – Trademark ™ – Registered ®

Để hiểu rõ hơn về luật bản quyền trong thiết kế, bạn cần phân biệt được rõ ràng về Copyright © – Trademark ™ – Registered ®. Đây đều là các kí tự chứng nhận về mặt pháp lý bảo vệ cho các ý tưởng tránh khỏi việc bị đánh cắp, đạo nhái ý tưởng. Tuy cùng chung một múc đích nhưng chúng lại được sử dụng hoàn toàn khác nhau.

Phân biệt 3 loại bản quyền trong thiết kế.
Phân biệt 3 loại bản quyền trong thiết kế.

Copyright ©

Copyright © sử dụng để bảo vệ bản quyền của các tác phẩm kịch, nghệ thuật, âm nhạc và sở hữu trí tuệ. Tác phẩm sẽ được tự động bảo vệ bản quyền ngay khi được hoàn thành. Việc gắn biểu tượng © là một cách để chỉ định quyền tác giả, ngoài ra có thể gắn chữ đầy đủ “copyright” hoặc viết tắt “Copr”. Copyright © cho phép tác giả sử dụng tác phẩm vào các công việc khác, sao chép tác phẩm và phân phối các bản sao, quyền biểu diễn tác phẩm trước đại chúng. Bạn có thể đăng kí hoặc không đăng kí bản quyền tác giả, tuy nhiên việc đăng kí sẽ giúp bạn bảo vệ quyền của mình một cách triệt để và kéo dài (kéo dài thêm đến 70 năm)

Trademark ™

Trademark ™ được sử dụng cho các kí tự, từ ngữ, tên hoặc thiết bị để phân biệt hàng hóa của nhà sản xuất hoặc người bán. Đối với thương hiệu, tên và logo đều được gắn biểu tượng ™ để biểu thị cho mọi người về việc sở hữu tên và thiết kế của công ty. Tuy nhiên trademark ™ lại không bảo vệ quyền lợi cho công ty trong việc sử dụng tên riêng cho thương hiệu, sản phẩm và tên. Nếu xảy ra trường hợp vi phạm ví dụ như một công ty khác sử dụng tên riêng tương tự cho sản phẩm hoặc công ty của họ thì công ty ban đầu sẽ phải chứng minh quyền sở hữu của mình cho những sáng tạo đó. Nếu như công ty ban đầu không đăng kí thương hiệu thì các biện pháp bảo vệ pháp lý sẽ không được thực hiện.

Registration® (Registered Trademark)

Khi một nhãn hiệu được đăng kí, thương hiệu của hãng sẽ xuất hiện với biểu tượng ®. Việc đăng kí thương hiệu này sẽ bảo vệ tên và hình ảnh của công ty trước việc sử dụng, đạo nhái từ công ty khác. Khi công ty của bạn muốn đăng ký thương hiệu thì trước tiên phải kiểm tra lại xem tên, các mẫu thiết kế đồ họa và hình ảnh đó đã được đăng kí bởi một công ty nào khác chưa. Nếu hình ảnh công ty của bạn lựa chọn hoặc sản phẩm mà công ty bạn muốn đăng kí quá giống với sản phẩm và hình ảnh của công ty khác đã đăng kí trước đó thì đây được coi là vi phạm bản quyền sử dụng thương hiệu. Tuy nhiên, quá trình đăng kí thương hiệu mất khá nhiều thời gian, có thể kéo dài trong vòng 10 tháng thậm chí là cả 1 năm để được duyệt đơn đăng kí thương hiệu. Sau khi đăng kí thành công, quyền sử dụng độc quyền thương hiệu của công ty sẽ kéo dài trong vòng 10 năm.

Những thông tin thiết yếu về luật bản quyền trong thiết kế mà bạn cần biết

  • Luật bản quyền áp dụng cả trên mạng internet.
  • Theo luật Mỹ, những gì bạn viết ra sẽ được luật bản quyền bảo vệ ngay. Luật có hiệu lực đối với tác phẩm của bận kể từ khi nó được viết ra mà không cần phải khai báo.
  • Bạn vẫn có thể sử dụng những thông tin có bản quyền bằng cách trích dẫn. Lưu ý rằng đoạn trích dẫn không vượt quá 10% bài viết hoặc 500 từ.
  • Khi muốn sử dụng hoặc dịch sang ngôn ngữ khác, bạn phải có được sự cho phép của tác giả.
  • Hãy tạo thói quen tôn trọng luật bản quyền vì hầu hết mọi thứ đều có bản quyền.
  • Câu nói “Tôi không biết luật” không thể giúp bạn bào chữa được sai phạm khi phải ra tòa.
  • Khi chưa hỏi ý kiến của tác giả, các bài viết được đăng tải dù đã được dẫn link nguồn vẫn vi phạm luật bản quyền.
  • Để tránh rắc rối, bạn cần xin phép trước khi sử dụng các thông tin có bản quyền.
Những thông tin mà bạn cần biết về luật bản quyền.
Những thông tin mà bạn cần biết về luật bản quyền.

Làm thế nào để xác định bản quyền trong thiết kế và quyền sở hữu trí tuệ

Khi bạn gặp phải các vấn đề về bản quyền và muốn chứng minh quyền của mình với tác phẩm, sản phẩm. Đừng vội lo lắng. Hãy giải quyết theo từng bước dưới đây:

  • Tìm lại ngày giờ bạn thiết kế ra sản phẩm đó hoặc post bài viết đó.
  • Nguồn đến hình minh hoạ bài viết.
  • Liệt kê ra những ý tưởng ban đầu để bạn thiết kế hay viết bài.
  • Chứng minh xuất xứ của bài viết.
  • Chụp ảnh màn hình những dữ liệu trong Database có thể chứng minh được thời gian bạn hoàn thiện sản phẩm.
  • Ngày tháng cụ thể mà bạn lưu lại sản phẩm của mình vào máy tính.
  • Cuối cùng là tìm nhân chứng có thể chứng minh cho bạn. Đó có thể là những thành viên trong group, diễn đàn nơi mà bạn công bố sản phẩm, hoặc những người quen biết của bạn..

Những lầm tưởng về luật bản quyền trong thiết kế và quyền tác giả

Điều đáng buồn là rất nhiều người biết đến luật bản quyền trong thiết kế một cách mơ hồ và thường xuyên có những suy nghĩ sai lầm về luật này. Dưới đây là những suy nghĩ sai lầm đó:

  • Sản phẩm không có chú thích về bản quyền thì không có bản quyền
  • Khi công khai bài viết trên internet thì đừng đòi hỏi về bản quyền
  • Đã lên mạng là hoàn toàn miễn phí
  • Tác giả thì làm gì được tôi?
  • Khi xảy ra vấn đề về bản quyền, đấu tranh giành lại quyền tác giả rất tốn thời gian, mất công và vô cùng rắc rối
  • Chỉ những công ty, tổ chức lớn thì mới có quyền tác giả.
  • Vấn đề này phải nhờ đến luật sư và sự can thiệp của luật pháp mới giải quyết được.
  • Tác giả là người nước ngoài còn tôi ở Việt Nam, tôi không sợ.
  • Tôi làm với mục đích chia sẻ và phi thương mại nên việc sao chép là vô tội.
  • Tôi không biết luật, tôi vô tội.
  • Tôi chưa được sự cho phép của tác giả nhưng tôi có ghi nguồn và dẫn link.

Đừng bao giờ mắc phải những sai lầm trên, bởi chính chúng ta đều là những con người đang “trồng cây” sáng tạo từng ngày với những nỗ lực, mồ hôi, tâm huyết, chúng ta hiểu được để làm ra một sản phẩm mất nhiều công sức như thế nào. Vì thế nên hãy tôn trọng bản quyền trong thiết kế của người khác giống như việc tôn trọng chính thành quả mà mình đã làm ra. Hi vọng bài viết của chúng tôi có thể giúp bạn có được cái nhìn tổng quan và chính xác về luật bản quyền, để các bạn bạn có thể bảo vệ được những sản phẩm của bản thân và tránh vi phạm sản phẩm của những người xung quanh.