UI/UX là gì? Tại sao lập trình viên cần học UI/UX design

UI/UX

Trong lĩnh vực thiết kế Web – App, UI/UX là hai khái niệm quan trọng luôn đi đôi cùng nhau và được xem là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá tính hiệu quả của bất kỳ website, ứng dụng nào. Trên thực tế, hai khái niệm này thường bị nhầm lẫn và sử dụng bừa bãi, bởi người áp dụng không hiểu rõ bản chất của chúng. Học UI/UX sẽ giúp xây dựng chiếc cầu nối giữa khách hàng và những nhà lập trình viên, giúp bạn hiểu insight của khách hàng, tăng trải nghiệm người dùng, hỗ trợ các chiến dịch quảng cáo hay tối ưu website. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về hai khái niệm này nhé!

UI/UX là gì?

UX là viết tắt của từ User Experience tức là trải nghiệm người dùng, dùng để chỉ cảm nhận và đánh giá của người dùng khi họ tương tác với website/ ứng dụng. Đồng thời nó nhấn mạnh quá trình nâng cao sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng, nâng cao tính tiện dụng trong sự tương tác giữa người dùng và các sản phẩm khi truy cập web/sử dụng ứng dụng như website/app có tốc độ tải nhanh hay không, phản hồi của bộ phận hỗ trợ có khiến bạn hài lòng, điều hướng website/app có quá rối rắm phức tạp, có nội dung mà bạn cần hay không… Khi có trải nghiệm tốt, người ta mới có xu hướng có những hành động kế tiếp, nên có thể nói trên thực tế, trải nghiệm quyết định thành công.

Còn UI là viết tắt của từ User Interface tức là giao diện người dùng. Nó bao gồm tất cả những gì trực quan “đập vào mắt” người dùng chẳng hạn như logo, hình ảnh, font chữ, màu sắc, bố cục… tất cả liệu đã hài hòa với nhau hay không… và cũng là yếu tố mạnh nhất trong việc đánh giá các yếu tố UX. Đơn giản, giao diện chính là cánh cổng và cũng là công cụ hiện hữu mà người dùng có thể cảm nhận và đánh giá thiết kế website của chúng ta.

Khái niệm về UI/UX
Khái niệm về UI/UX trong thiết kế

Theo Rahul Varshney, Co-creator của Foster.fm chia sẻ, hai khái niệm “Trải nghiệm người dùng” và
“Giao diện người dùng” thường bị đánh đồng và sử dụng vô tội vạ trên các nội dung về Công nghệ – Digital. Đây là hai khái niệm hoàn toàn tách biệt nhưng lại song hành chặt chẽ với nhau để tạo ra một website hoàn hảo. Một trải nghiệm tuyệt vời bắt đầu bằng UI và hoàn thiện bởi UX, và cho ra kết thúc là việc chốt sử dụng dịch vụ/đánh giá tốt/giới thiệu website của bạn. Nếu so sánh website của bạn như bức tranh sơn dầu, thì website không có UX như bức tranh vô hồn, không thể cảm giác ý nghĩa nghệ thuật bên trong nó. Và UX mà không đi kèm UI thì cũng giống như bức tranh nghệ thuật không được đánh bóng và lồng kính cẩn thận, trông khá tùy tiện và cẩu thả. Trong khi đó, theo Groove – App / software company chia sẻ thêm rằng, đối với người dùng trên ứng dụng App IOS, Android thì UX còn đóng 1 vài trò lớn hơn ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của khách hàng.

Với sự phát triển và đa dạng của số lượng website hay ứng dụng hiện nay, khách hàng ngày càng trở nên khó tính, do đó để tăng sự cạnh tranh, các nhà phát triển web rất chú trọng đến UX/UI. Website có UI đẹp và chuyên nghiệp thì sẽ thu hút được người dùng. Tương tự, website có UX tốt thì sẽ chiếm được thiện cảm của người dùng, tăng khả năng quay lại website, sử dụng sản phẩm/dịch vụ và giới thiệu cho bạn bè.

Xem thêm: After Effects là gì?

Lập trình viên có cần học UX/UI?

Chắc chắn là có, vì học về UX/UI, các bạn mới có thể tạo ra kích thước website chuẩn UX mà người dùng có thể sử dụng. Các bạn lập trình viên đôi khi họ suy nghĩ rất đơn giản: chỉ cần code là có thể tạo nên một website, mà đôi khi không đặt mình vào vị trí người dùng: liệu lập trình viên hiểu, nhưng người dùng có thể hiểu được không? Ngoài ra, không phải doanh nghiệp nào có quy mô cũng đủ lớn để phân chia các vị trí như UI Designer, UX Designer, Coder, Developer… Với các công ty startup, các lập trình viên thường sẽ phải “bao trọn gói” từ A-Z trong việc hoàn thiện sản phẩm. Còn với công ty thiết kế website Mona thì công việc xây dựng UX/UI cho website sẽ do các designer nhiều năm kinh nghiệm đảm nhận, đảm bảo sản phẩm được hoàn thiện tốt nhất.

Ngoài ra khi các doanh nghiệp chủ trương đặt yếu tố trải nghiệm người dùng làm ưu tiên, thì việc nắm được UX/UI sẽ có lợi thế rất lớn cho các lập trình viên trong việc làm chủ sản phẩm mình thực hiện, từ đó mới có thể tạo ra thành quả có chất lượng. Nếu công ty chia thành nhiều bộ phận khác nhau, việc hiểu biết về UX/UI sẽ giúp bạn dễ trao đổi với designer và hiểu điều vì sao cần thiết kế như thế. Nếu bạn là người thực hiện từ đầu đến cuối, kiến thức về UX/UI giúp sản phẩm bạn tạo ra phù hợp với người dùng hơn, thân thiện và chức năng tốt hơn.

Vậy công việc của UX/UI Designer là gì? Họ cần những kỹ năng nào?

Đối với UX Designer, họ sẽ chịu trách nhiệm những việc liên quan đến nghiên cứu, lên kế hoạch, tạo ra bản demo và kiểm tra chất lượng, nhằm tối ưu tương tác chất lượng giữa người dùng và tất cả các khía cạnh của một công ty

  • Nghiên cứu thị trường và lên chiến lược: phân tích insight khách hàng, phân tích đối thủ cạnh tranh, cơ cấu sản phẩm, phát triển nội dung
  • Xây dựng công cụ trực quan và bản demo: tổng hợp các thông tin, lên ý tưởng và hoàn thiện bản demo, sau đó kiểm tra và chỉnh sửa
  • Thực hiện và phân tích: phối hợp với các designer và developer để hoàn thiện các yếu tố về giao diện và coding, theo dõi đánh giá của khách hàng, phân tích kết quả, tìm ra các điểm cần hoàn thiện và hoàn thiện chúng
UX/UI Designer
Công việc của UX/UI Designer

Riêng công việc của UI Designer sẽ liên quan đến việc tạo ra một giao diện đẹp và phù hợp để hướng dẫn trực quan người dùng, cải thiện trải nghiệm của họ đồng thời truyền tải thông điệp từ người thiết kế, nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm tới người dùng. Nó bao gồm:

  • Xem xét và cảm nhận: phân tích insight khách hàng, nghiên cứu và lên ý tưởng thiết kế, phát triển đồ họa, xây dựng hướng dẫn sử dụng/ cốt truyện
  • Tăng sự tương tác: xây dựng demo, thêm yếu tố animation, thực hiện tương thích và kiểm tra với tất cả các kích cỡ của màn hình thiết bị, làm viêc với Developer để cho ra giao diện hoàn chỉnh

Bất kể công việc nào cũng cần những kỹ năng nhất định, UX/UI Designer cũng không ngoại lệ. Vậy họ cần những kỹ năng gì?

Sáng tạo: vốn công việc về UX/UI đã liên quan đến khía cạnh sáng tạo, đặc biệt trong việc sử dụng màu sắc, kiểu chữ, hình ảnh, bố cục và các yếu tố khác cho việc thiết kế một hệ thống tương tác, phần mềm hay trang web, đặc biệt là UI Designer. Bạn không cần là nhà thiết kế website chuyên nghiệp, nhưng chí ít phải nắm vững các nguyên tắc về thiết kế như nguyên tắc phân chia bố cục, phối màu… và thêm sự sáng tạo để giao diện website trở nên đậm bản sắc thương hiệu.

Lắng nghe: bởi vì nhìn chung đây là những công việc có liên quan đến trải nghiệm người dùng, nên kỹ năng lắng nghe là điều rất quan trọng. Phải chịu khó lắng nghe từ những bộ phận khác, từ phía người dùng, những nguồn thông tin khác nhau để xem vấn đề nằm ở đâu, từ đó mới có thể đưa ra những giải pháp tốt nhất, hay thậm chí là sáng tạo.

Nghiên cứu: một UX/UI Designer có thể không cần tham gia vào việc nghiên cứu (research), nhưng đây là kỹ năng nên có để bạn có thể phát triển nhanh chóng. Tham gia vào công việc research thì bạn sẽ dễ dàng nắm bắt dự án ngay từ những giai đoạn đầu và thống nhất quá trình công việc với nhau. Đặc biệt khi hiểu về insight khách hàng, bạn cũng cần những thao tác research mới có thể hiểu họ cần gì, thói quen của họ thường là gì.

Thiết kế UX/UI
Thiết kế UX/UI phải luôn thích ứng với sự thay đổi

Luôn thích ứng trong mọi hoàn cảnh: đối với những người làm về lĩnh vực công nghệ đều hiểu rằng nó luôn đổi mới, cách chúng ta kết nối với nhau mỗi ngày cũng dần đổi khác. Có thể hôm nay, người dùng thích sử dụng PC để truy cập web, nhưng rồi dần dần thiết bị di động dần thay thế. Nó đòi hỏi các UX/UI Designer không ngừng cập nhật những xu hướng mới và tự mình thích ứng theo dòng chảy của sự đổi mới. Nếu bạn không có khả năng và sẵn sàng để thích ứng với những thay đổi, bạn sẽ không bao giờ có thể phát triển bản thân thành một nhà thiết kế UX/UI chuyên nghiệp.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về UI UX là gì và công việc UX/UI Designer đang hot hiện nay. Chúc bạn thành công trên con đường của mình nhé!